Address:

Trụ sở:

Tòa nhà VJM 154 Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Hotline:

0909 458 666

Mùa lạnh, bệnh hô hấp “tấn công” người cao tuổi

Tháng Mười Hai 10, 2022

Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế

 

Thời tiết trở lạnh, người cao tuổi dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là bệnh có liên quan đến nhiễm khuẩn. Những triệu chứng cấp tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Mọi đối tượng đều có thể mắc bệnh hô hấp lúc giao mùa nhưng người cao tuổi (NCT) thì càng cần lưu ý hơn.

Phòng bệnh viêm phổi ở người cao tuổi lúc giao mùa

 

Một số bệnh đường hô hấp thường gặp

Đường hô hấp gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên có mũi, họng, hầu, thanh quản và các xoang. Đường hô hấp dưới gồm có khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế quản tận cùng và phế nang. Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh thì NCT hay gặp nhất. Người bệnh thường hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi. Với bệnh viêm họng, có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

 

Khi thời tiết chuyển mùa, NCT dễ mắc viêm họng cấp tính và nếu không được điều trị sẽ chuyển thành mạn tính. Viêm họng mạn tính sẽ có biểu hiện đau rát họng, ho, ngứa họng, đôi khi có cảm giác nuốt vướng rất khó chịu. Có thể ho khan hoặc ho có đờm. Đờm có thể là màu trắng, vàng, đặc quánh hoặc lỏng, đôi khi có thể có lẫn một ít máu do có tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra. Nếu viêm họng kéo dài, cơn ho sẽ làm cho NCT rất khó chịu, nhất là gây đau thượng vị và kẽ liên sườn do cơ hoành bị kích thích nhiều gây co kéo. Viêm họng mạn tính hoặc viêm mũi mạn tính rất dễ gây nên viêm xoang (có thể viêm một xoang hay nhiều xoang).

 

Viêm đường hô hấp dưới ở NCT vào lúc thời tiết chuyển mùa là viêm phế quản, viêm phổi. Một điều cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở NCT do lạnh thì thân nhiệt (nhiệt độ) thông thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm do đó khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.

Một số NCT có bệnh mạn tính như hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (CODP) hoặc tâm phế mạn thì vào lúc giao mùa, bệnh rất dễ tái phát gây khó thở và do đường hô hấp xuất tiết nhiều nên rất dễ gây nguy kịch cho người bệnh. Vì vậy, khi NCT mắc một trong các bệnh đường hô hấp, phải cấp cứu khẩn trương, nếu để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.

 

Nguyên nhân do đâu?

NCT bị bệnh viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng, nhất là giãn phế quản thì thường ho nhiều khi thời tiết thay đổi, xuất tiết nhiều chất nhầy (nhiều đờm) đặc biệt là thường xuất hiện vào lúc nửa đêm về sáng làm mất ngủ cho bản thân cũng như những người trong gia đình. Ngoài thời tiết, có nhiều yếu tố thuận lợi và cả các yếu tố có nguy cơ cao gây viêm đường hô hấp ở NCT.

 

Trước hết phải kể đến người hút thuốc lá, thuốc lào. Khói của thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi do đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội. Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu, bình thường, ở đường hô hấp có vô số vi khuẩn sống cộng sinh hoặc ký sinh như S. pneumoniae, H. influenzae, S. aureus… nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết lạnh, sức đề kháng của cơ thể con người giảm), chúng trở thành tác nhân gây bệnh và được gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Môi trường bị ô nhiễm, nhiều bụi, khói (bếp than, bếp củi, bếp dầu, khí thải công nghiệp), nhà ở chật chội, không thông thoáng cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Một số bệnh mạn tính kéo dài ở NCT như tăng huyết áp, bệnh về rối loạn nội tiết (đái tháo đường) cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp ở NCT khi thời tiết giao mùa.

 

Phòng bệnh hô hấp lúc giao mùa ở NCT như thế nào?

Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột thì NCT nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Tuy nhiên, vẫn có thể tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà.

 

NCT cũng cần tắm rửa hằng ngày hoặc một tuần vài lần. Mùa lạnh tốt nhất là tắm nước ấm nhưng cũng cần tắm nhanh, lau khô người mới mặc quần áo sạch. Mùa nóng như hiện nay thì cũng không nên tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng. Trước lúc tắm, nên chuẩn bị sẵn các loại quần áo sạch, khăn lau người để nhanh chóng. Nếu không tự chuẩn bị được thì cần nhờ người nhà hoặc người giúp việc hỗ trợ. Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế). Những trường hợp dùng răng giả, cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ, không để bám dính nhiều cặn thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp.

 

Bên cạnh đó là chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn đủ và đa dạng các nhóm thực phẩm đạm, tinh bột, rau củ, trái cây, vitamin và khoáng chất. Chế độ tập luyện vận động phù hợp, lưu ý người dân không nên vận động vào thời điểm sáng sớm lạnh, hoặc thời điểm có mưa hoặc cơn mưa vừa dứt. Đặc biệt, trong thời tiết lạnh, người dân thường ít khát và quên uống nước khiến cơ thể không được cung cấp đủ nước dẫn đến mệt mỏi, da khô, táo bón, ăn uống kém ngon, do vậy cần uống đủ nước mỗi ngày, nên hạn chế uống vào ban đêm để không bị ảnh hưởng đến giấc ngủ.

 

Đối với những NCT đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang cần bỏ thuốc lá, thuốc lào. Thuốc lá, thuốc lào ngoài gây các bệnh về đường hô hấp còn có khả năng làm nặng thêm nhiều bệnh khác như bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…) cho nên không nên hút và nếu bỏ được thì rất tốt cho sức khỏe. Những NCT đã có bệnh về đường hô hấp mạn tính hoặc các bệnh mạn tính khác nên định kỳ đi khám bệnh để được tư vấn những điều cần thiết về bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.

    Đặt hẹn khám

    Phone