Address:

Trụ sở:

Tòa nhà VJM 154 Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Hotline:

0909 458 666

Làm sao để ngăn ngừa đột quỵ não tái phát trở lại?

Tháng Mười 12, 2023

Tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong năm năm đầu tiên là 25%, nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát. Để làm giảm mức độ tái phát đột quy, người bệnh cần uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ và đi tái khám đều đặn. Không ai có thể bảo đảm đột quỵ não tái phát sẽ không xảy ra, nhưng khả năng này có thể giảm thiểu tối đa bằng chế độ điều trị thích hợp, liên tục và được duy trì một cách lâu dài. Vậy làm sao để giảm nguy cơ đột quỵ não tái phát trở lại

1. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng hàm lượng mỡ trong máu cần được bác sĩ chuyên khoa theo dõi thường xuyên. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ này sẽ được giảm bớt một cách tối đa bằng các thuốc điều trị thích hợp và thay đổi lối sống.

2. Kiểm soát huyết áp

Huyết áp ở mức 120/80 mmHg là trị số bình thường. Khi huyết áp (huyết áp tối đa/huyết áp tối thiểu) cao hơn 140/90 mmHg được gọi là tăng huyết áp. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ não. Nếu không kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, nguy cơ đột quỵ não tái phát sẽ rất cao. Bệnh nhân bị tăng huyết áp có nguy cơ đột quỵ não cao gấp 4 – 6 lần so với bệnh nhân có huyết áp bình thường. Tăng huyết áp làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch máu, gây tăng áp lực lên thành mạch máu, và có thể làm vỡ mạch máu.

Để có thể kiểm soát được huyết áp nên thực hiện một chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm stress, và uống các thuốc thích hợp. Cần lưu ý rằng các thuốc huyết áp chỉ có tác dụng khi được sử dụng đều đặn mỗi ngày. Không nên tự ý ngừng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Nếu tăng huyết áp được kiểm soát tốt, sẽ giảm được 38% nguy cơ đột quỵ não và giảm 40% nguy cơ tử vong gây ra do đột quỵ não.

Làm sao để ngăn ngừa đột quỵ não tái phát trở lại

3. Bệnh tim

Là nguy cơ quan trọng thứ hai sau tăng huyết áp, bệnh lý tim nguy hiểm nhất liên quan đến đột quỵ não là rung nhĩ. Rung nhĩ là tình trạng co bóp bất thường của tâm nhĩ trái. Ở bệnh nhân rung nhĩ, tâm nhĩ trái co bóp nhanh gấp bốn lần so với các buồng tim còn lại. Điều này dẫn đến sự bất thường của dòng chảy trong các mạch máu, tạo điều kiện hình thành các cục huyết khối trong buồng tim và nhanh chóng di chuyển đến nơi khác, có thể gây tắc nghẽn các mạch máu não. Sử dụng thuốc kháng đông lâu dài có thể làm giảm 67% nguy cơ gây ra đột quỵ não tái phát của rung nhĩ.

4. Đái tháo đường

Khi bệnh nhân có bệnh đái tháo đường, nguy cơ mắc phải đột quỵ não sẽ tăng gấp ba lần. Chế độ ăn phù hợp để điều chỉnh lượng đường trong máu, đồng thời sử dụng các thuốc điều chỉnh đường huyết có thể giúp người bệnh hạn chế tối đa các biến chứng của tăng đường huyết.

5. Tăng cholesterol trong máu

Tăng cholesterol trong máu có thể dẫn đến tình trạng ứ đọng của cholesterol lên thành mạch máu, từ đó tạo thành các mảng xơ vữa. Kiểm soát tốt hàm lượng cholesterol trong máu bằng chế độ ăn thích hợp (kiêng mỡ, các loại dầu ăn và các thức ăn giàu cholesterol), tập thể dục thường xuyên và sử dụng các loại thuốc chuyên biệt có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ não.

6. Ngừng hút thuốc lá

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ tiềm tàng của đột quỵ não. Thuốc lá làm tăng thêm quá trình xơ vữa mạch máu và các chất gây đông máu (như fibrinogen). Việc ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm rõ rệt nguy cơ đột quỵ não tái phát.

Làm sao để ngăn ngừa đột quỵ não tái phát

7. Sử dụng thuốc ngừa thai

Các thuốc ngừa thai, đặc biệt là những loại chứa hàm lượng estrogen cao, có khả năng làm tăng nguy cơ tạo huyết khối. Tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa để có thể thay đổi phương pháp ngừa thai khác nếu bệnh nhân có kèm theo các nguy cơ bị đột quỵ não khác.

8. Giảm stress

Cuộc sống với nhiều áp lực thường xuyên làm tăng huyết áp và có thể dẫn đến đột quỵ não. Biết giải tỏa các áp lực trong công việc, tạo một cuộc sống lành mạnh bên người thân và gia đình có thể là phương pháp giảm stress hữu hiệu nhất.

9. Thay đổi chế độ ăn

Chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và muối có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Cần tuân thủ chế độ ăn hợp lý như sau:

– Tránh ăn quá nhiều chất béo: Các chất béo, đặc biệt là chất béo trans (đồ ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, các loại bánh ngọt, v.v..) có thể làm nặng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Hạn chế sử dụng các loại dầu mỡ khi nấu ăn, nên bỏ phần mỡ và da của các loại thịt, dùng các thức ăn có hàm lượng chất béo thấp, thức ăn chế biến bằng cách luộc hay hấp tốt hơn chiên xào, không ăn quá ba quả trứng trong một tuần.

– Giảm muối: Ăn quá mặn có thể làm tăng huyết áp. Khi ngồi trên bàn ăn, không nên rắc thêm muối vào món ăn đã được chế biến.

– Hạn chế uống rượu: Uống nhiều bia, rượu thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ não. Nên hạn chế việc sử dụng các loại bia rượu, đặc biệt khi bệnh nhân có tình trạng cao huyết áp kèm theo.

10. Giảm cân

Tình trạng béo phì có liên quan đến các bệnh lý cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường và đột quỵ. Duy trì trọng lượng vừa phải bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ não.

Trên đây là 10 cách giảm nguy cơ tái phát đột quỵ não. Trong đó, quan trọng nhất là kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ bằng cách tầm soát, kiểm tra sức khỏe định kì và thay đổi lối sống.

Nguồn: sách “Đột quỵ não – Những nguyên tắc vàng trong dự phòng và chăm sóc đột quỵ” 

    Đặt hẹn khám

    Phone