Tin tức

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung (HPV) và những điều cần biết

12/08/2023
Copied!

Theo số liệu báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ trong năm 2018, cả thế giới ghi nhận 570.000 ca mắc ung thư cổ tử cung. Đây là loại ung thư phổ biến, đứng thứ 4 về số ca mắc mới và thứ 6 về số ca tử vong do ung thư ở nữ giới. Mỗi năm, căn bệnh này cướp đi sinh mạng của trên 300.000 phụ nữ. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ đặc biệt trong độ tuổi 30 trở lên, mỗi năm có khoảng 4000 phụ nữ phát hiện mình mắc ung thư cổ tử cung và khoảng 2400 phụ nữ tử vong hàng năm vì căn bệnh này. Đây là căn bệnh hiện vẫn chưa tìm được giải pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ có thể phòng ngừa bằng phương pháp sử dụng vacxin.

1. Vắc xin HPV là gì?

Vắc xin HPV là loại vắc xin tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại sự xâm nhập và gây bệnh của virus Human Papilloma (HPV) ở người. Virus HPV có hơn 140 type virus liên quan được phát hiện ở người, trong đó có khoảng 40 type của HPV có thể gây viêm nhiễm vùng sinh dục và một số loại ung thư nhất định ở cổ tử cung, hậu môn, hầu họng, dương vật, âm hộ và âm đạo.

2. Tác dụng của vắc xin HPV phòng bệnh gì?

Vắc xin phòng HPV giúp ngăn ngừa nhiễm và bị các tổn thương tiền ung thư hay loạn sản gây ra bởi HPV tuýp 6, 11, 16 và 18, như tân sinh trong biểu mô cổ tử cung, ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung tại chỗ, tân sinh trong biểu mô âm hộ, âm đạo. Ngoài ra, vắc xin này có thể làm giảm ung thư hậu môn và bộ phận sinh dục (ở cả nam và nữ), ung thư hầu họng .

Các chuyên gia y tế cho biết, vắc xin HPV đã và đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đã chứng minh được tính an toàn và sinh miễn dịch tốt, tồn tại bền vững tới 30 năm. Tuy nhiên, vắc xin này không thể ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và tránh thai.

Bệnh nguy hiểm nhất mà vaccine HPV có thể phòng ngừa được là bệnh ung thư cổ tử cung và là “cơn ác mộng” của chị em phụ nữ. Đây là bệnh lý ác tính của biểu mô lát (biểu mô vảy) hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung.

3. Các loại vaccine HPV

Hiện nay, có 2 loại vaccine HPV là Gardasil (Mỹ) và Gardasil 9 (Mỹ) được sản xuất bởi hãng dược phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới MSD (Merck Sharp & Dohme, Mỹ). Hai loại vắc xin HPV này có một số điểm khác nhau cơ bản về số lượng tuýp virus HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa.

Vắc xin phòng HPV – Gardasil 4

Gardasil 4 giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư, loạn sản, mụn cóc sinh dục và bệnh lý do nhiễm virus HPV tuýp 6, 11, 16, 18. Gardasil 4 được chỉ định tiêm chủng cho bé gái và nữ giới từ 9-26 tuổi, bất kể đã có gia đình hay quan hệ tình dục hay chưa.

Vắc xin phòng HPV – Gardasil 9
Vắc xin thế hệ mới Gardasil 9 được xem là vắc xin bình đẳng giới vì mở rộng cả đối tượng và phạm vi phòng bệnh rộng hơn ở nam và nữ giới, bảo vệ khỏi 9 tuýp virus HPV phổ biến 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 gây bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng, mụn cóc sinh dục, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản…, với hiệu quả bảo vệ lên đến trên 94%.

Gardasil 9 là vắc xin đầu tiên phòng HPV dành cho cả nam và nữ từ 9 đến dưới 27 tuổi, hiện đang được tiêm ở 84 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ, chứng minh tính an toàn và hiệu quả cao.

4. Ai nên tiêm vắc xin HPV?

Tại Việt Nam, vắc xin HPV được chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ, bé trai và nam giới từ 9 đến dưới 27 tuổi. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc tiêm ngừa vắc xin cho hiệu quả tốt nhất khi được tiêm phòng sớm cho trẻ từ 9-14 tuổi. Đặc biệt vắc xin phát huy hiệu quả tối ưu trên những trẻ chưa bị phơi nhiễm hoặc chưa bị nhiễm virus HPV.

5. Vắc xin HPV cần tiêm mấy mũi?

Vì vắc xin HPV có nhiều loại khác nhau nên số mũi tiêm của từng loại cũng có sự khác nhau, vắc xin HPV cần tiêm 2 mũi hoặc 3 mũi, cụ thể:

Vắc xin Gardasil 4 với phác đồ tiêm chủng 3 mũi như sau:

  • Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: 2 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: 4 tháng sau mũi 2.

Lịch tiêm vắc xin Gardasil 9 được khuyến cáo như sau:

Người từ tròn 9 tuổi đến dưới 15 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên:

Phác đồ 2 mũi:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
  • Mũi 2: cách mũi 1 từ 6-12 tháng.

Nếu mũi 2 tiêm cách mũi 1 < 5 tháng, cần tiêm mũi 3 cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.

Phác đồ 3 mũi (0-2-6) *:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
  • Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
  • Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tháng

Người từ tròn 15 tuổi đến dưới 27 tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu tiên

Phác đồ 3 mũi (0-2-6) *:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
  • Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 2 tháng
  • Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 4 tháng.

Phác đồ tiêm nhanh:

  • Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi.
  • Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
  • Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.

6. Vắc xin HPV có an toàn không?

Vắc xin HPV đã được chứng minh tính an toàn và hiệu quả cao trong việc bảo vệ trẻ em, phụ nữ và nam giới tránh khỏi những căn bệnh liên quan đến virus HPV. Đặc biệt, vắc xin HPV đã được trải qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cũng như thực tế ở nhiều nước trên Thế giới để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả sinh miễn dịch. Do đó, tất cả các giới trong độ tuổi 9-26 tuổi nên tiêm loại vắc xin này để đảm bảo rằng trẻ được bảo vệ trước khi phơi nhiễm loại virus này.

7. Các tác dụng phụ của vắc xin HPV

Kể từ khi được sử dụng đến nay, hàng triệu người đã được tiêm phòng vắc xin HPV và cho đến nay, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào xuất hiện do vắc xin HPV gây ra. Mặt khác, người tiêm chủng có thể gặp phản ứng phụ nhẹ đến trung bình sau khi tiêm vắc xin HPV như:

  • Phản ứng tại chỗ tiêm: Đau, sưng, nổi ban đỏ, chai cứng, ngứa, bầm tím, tăng nhạy cảm tại chỗ tiêm.
  • Các phản ứng toàn thân khác: Sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.

Do đó, nếu bạn xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau khi tiêm có thể là dấu hiệu ở da niêm (nổi mề đay, ngứa…), hô hấp (khó thở), ngất xỉu, đau quặn bụng… thì hãy liên hệ ngay với cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.

8. Đường tiêm vắc xin HPV

– Vaccine HPV được chỉ định tiêm bắp. Vị trí phù hợp là vùng cơ delta của phần trên cánh tay hoặc ở vùng trước phía trên đùi.

– Không được tiêm HPV vào mạch máu, tiêm dưới da hoặc tiêm trong da.

– Không được trộn lẫn vắc xin trong cùng một ống tiêm với bất kỳ loại vắc xin và dung dịch nào khác

9. Trường hợp nào không được tiêm vắc xin HPV?

Vắc xin HPV với cơ chế tạo miễn dịch chủ động hiệu quả, đặc biệt phụ nữ đã có gia đình, đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi vẫn được khuyến khích khích tiêm ngừa vắc xin HPV. Vậy trường hợp nào không được tiêm vắc xin HPV? Dưới đây là các đối tượng không nên tiêm chủng vắc xin HPV:

• Người quá mẫn với các hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào của vắc xin HPV được liệt kê trong phần “Thành phần”.

• Những người bị quá mẫn sau khi tiêm Gardasil 9 hoặc Gardasil trước đây không nên tiêm Gardasil 9.

• Người đang bị sốt cao cấp tính, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng.

• Người bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.

• Phụ nữ đang có thai.

T-Matsuoka Medical Center hiện tại có vắc xin phòng HPV Gardasil 9. Hãy chủ động dự phòng nhiễm HPV và liên hệ với chúng tôi để đặt lịch hẹn tiêm ngay nhé!

Đặt hẹn khám

    Đặt lịch tư vấn với bác sĩ

    Họ và tên
    Số điện thoại
    Thời gian khám
    Mô tả vấn đề sức khỏe của bạn:

    Đặt lịch tư vấn với bác sĩ

    Họ và tên
    Số điện thoại
    Ngày khám
    Thời gian khám
    Mô tả vấn đề sức khỏe của bạn: