Tin tức

Thuốc xịt Seretide – Ngăn chặn tình trạng khó thở

21/11/2023
Copied!

Thuốc xịt Seretide được bào chế dạng khí dung, trong chai xịt. Thuốc có thành phần là Salmeterol và Fluticason, dùng để điều trị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

1. Thuốc Seretide có tác dụng gì?

Thuốc Seretide có chứ 2 thành phần chính là Salmeterol và Fluticason có cơ chế tác dụng khác nhau. Trong đó:

– Salmeterol là thuốc giãn phế quản tác dụng dài, thời gian có tác dụng của thuốc kéo dài ít nhất 12 giờ. Thuốc giúp đường thở thông thoáng, không khí đi vào và đi ra dễ dàng hơn.

– Fluticason có hoạt tính kháng viêm, giúp giảm triệu chứng và cơn kịch phát của hen. Thuốc dạng hít không có tác dụng bất lợi như corticosteroid toàn thân.

– Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc Seretide trong các trường hợp:

+ Điều trị hen: Chỉ định trong điều trị thường xuyên bệnh hen (tắc nghẽn đường dẫn khí có hồi phục) bao gồm hen phế quản ở người lớn và trẻ từ 4 tuổi trở lên

+ Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Điều trị duy trì tắc nghẽn đường dẫn khí và giảm cơn kịch phát ở người mắc COPD, giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

2. Cách sử dụng thuốc Seretide

Luôn sử dụng thuốc chính xác theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Sử dụng thuốc thường xuyên kể cả khi không có triệu chứng để đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.

Không tự ý dừng thuốc hoặc giảm liều

2.1. Liều dùng

– Người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên:

+ Seretide Evohaler 25/50 – 2 nhát xịt, 2 lần/ngày;

+ Seretide Evohaler 25/125 – 2 nhát xịt, 2 lần/ngày;

+ Seretide Evohaler 25/250 – 2 nhát xịt, 2 lần/ngày.

– Trẻ em từ 4 đến 12 tuổi: Seretide Evohaler 25/50 – 2 nhát xịt, 2 lần/ngày

Seretide không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 4 tuổi.

– Hen: cần điều chỉnh đến liều thấp nhất mà vẫn kiểm soát được các triệu chứng có hiệu quả. Khi việc kiểm soát triệu chứng bệnh duy trì ở liều Seretide 2 lần/ngày thì có thể điều chỉnh tới liều thấp nhất có hiệu quả là 1 lần/ngày. Nên cho người bệnh dùng dạng Seretide có hàm lượng fluticasone propionate phù hợp với diễn tiến của bệnh.
Nếu người bệnh không được kiểm soát tình trạng hen đầy đủ với cách trị liệu corticosteroid hít đơn thuần thì có thể điều trị thay thế bằng Seretide với liều corticosteroid tương đương có thể giúp cải thiện việc kiểm soát hen. Ở người bệnh sử dụng corticosteroid hít đơn thuần có thể kiểm soát hen thì việc điều trị thay thế bằng Seretide sẽ giúp giảm liều corticosteroid mà vẫn kiểm soát hen hiệu quả.

– Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD):

Liều khuyến cáo cho người lớn: Seretide 25/250- 2 nhát xịt, 2 lần/ngày

– Các nhóm bệnh nhân đặc biệt: không cần hiệu chỉnh liều ở người già, bệnh nhân suy gan, suy thận.

2.2. Cách dùng

– Thuốc được sử dụng bằng cách hít qua đường miệng vào phổi.

– Hướng dẫn sử dụng bình xịt thuốc Seretide:

+ Kiểm tra bình xịt: Trước lần sử dụng đầu tiên, người bệnh nên tháo nắp đậy ống ngậm (bằng cách bóp nhẹ các mặt của nắp), lắc kỹ bình xịt, giữ bình xịt giữa các ngón tay, xịt vào không khí đến khi bộ đếm chỉ số 120 để đảm bảo bình xịt hoạt động bình thường. Nên lắc bình xịt trước khi xịt thuốc. Nếu không sử dụng bình xịt trong vòng 1 tuần hoặc lâu hơn, bạn nên tháo nắp đậy ống ngậm, lắc kỹ bình xịt, xịt 1 lần vào không khí. Mỗi lần khởi động, con số trên bộ đếm bình xịt sẽ giảm đi 1. Trong một số trường hợp, làm rơi bình xịt cũng có thể khiến bộ đếm hoạt động.

+ Sử dụng bình xịt: Thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Tháo nắp đậy ống ngậm (Bằng cách bóp nhẹ các mặt nắp đậy)

Bước 2: Kiểm tra bên trong và bên ngoài bình xịt, kể cả ống ngậm vào miệng, đảm bảo các bộ phận chắc chắn, không bị long ra

Bước 3: Lắc kỹ bình xịt, đảm bảo loại bỏ các vật bị long ra và giúp trộn đều các thành phần trong bình xịt

Bước 4: Giữ bình xịt thẳng đứng giữa các ngón tay, đặt ngón tay cái ở đáy, phía dưới ống ngậm;

Bước 5: Thở ra hết cỡ tới khi cảm thấy dễ chịu, đưa ống ngậm vào miệng giữa 2 hàm răng, khép môi xung quanh (không cắn ống ngậm);

Bước 6: Bắt đầu hít vào qua đường miệng, ấn xuống vào phần đỉnh bình xịt để phóng thích các hoạt chất trong đó, hít vào thật sâu và đều đặn;

Bước 7: Trong khi nín thở, lấy bình xịt ra khỏi miệng, thả lỏng ngón tay đặt ở phần đỉnh bình xịt. Tiếp tục nín thở tới khi còn chịu được;
Nếu xịt thêm liều thứ 2, bạn nên giữ bình xịt thẳng đứng, đợi khoảng 30 giây rồi lặp lại các bước từ 3 đến bước 7;

Bước 8: Súc miệng với nước sạch, nhổ đi. Đậy nắp bình xịt đúng khớp. Nếu nắp không khớp, cần xoay nắp theo chiều ngược lại và thử lại, không dùng lực quá mạnh.

– Lưu ý:

+ Không thực hiện các bước 5, 6, 7 vội vàng. Bạn cần bắt đầu hít vào càng chậm càng tốt trước khi vận hành bình xịt. Nên tập luyện sử dụng trước gương trong vài lần đầu. Nếu thấy có hơi nước bốc ra từ đỉnh bình xịt hoặc lan ra 2 bên khóe miệng thì bạn nên bắt đầu lại từ bước 2;

+ Khi bộ đếm của bình xịt trở về chỉ số 020, bạn nên cân nhắc thay thế bình thuốc mới. Khi bộ đếm còn 000, bạn cần thay bình thuốc mới;

+ Nếu bác sĩ có hướng dẫn sử dụng khác, người bệnh cần thực hiện đúng theo lời khuyên của bác sĩ một cách cẩn thận.

2.3. Làm gì khi quên một liều?

Khi quên dùng 1 liều thuốc Seretide, người bệnh nên dùng càng sớm càng tốt. Nếu gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp đúng theo kế hoạch.

2.4. Làm gì khi dùng quá liều?

Khi dùng thuốc quá liều, bệnh nhân có biểu hiện run, đau đầu, tăng huyết áp tâm thu, nhịp tim nhanh. Ngoài ra, người bệnh có thể bị ức chế ở tuyến thượng thận. Người dùng thuốc quá liều được điều trị hỗ trợ, theo dõi thích hợp nếu cần.

3. Các lưu ý trước khi dùng thuốc

3.1. Các trường hợp không sử dụng thuốc

– Người có tiền sử quá mẫn với các thành phần của thuốc;

– Điều trị ban đầu tình trạng hen, đợt cấp của hen phế quản, COPD khi cần phải điều trị tích cực.

3.2. Các trường hợp thận trọng khi dùng thuốc

– Không bắt đầu dùng thuốc ở bệnh nhân đang trong giai đoạn bệnh xấu đi hoặc đợt cấp của hen, COPD có nguy cơ đe dọa tính mạng. Thuốc Seretide không phải dùng để giảm triệu chứng cấp tính mà cần dùng 1 thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh và ngắn. Việc tăng sử dụng thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn để giảm triệu chứng có thể là dấu hiệu cho thấy thuốc Seretide đang kiểm soát bệnh không tốt, người bệnh cần được khám lại;

– Bệnh nhân điều trị bằng Seretide có thể phát triển nhiễm trùng tại chỗ ở miệng và họng do nấm Candida. Khi có nhiễm trùng, cần điều trị bằng liệu pháp chống nấm toàn thân (đường uống) hoặc tại chỗ thích hợp, vẫn tiếp tục dùng thuốc Seretide. Bệnh nhân súc miệng với nước và nhổ ra sau khi hít có thể giảm nguy cơ nhiễm nấm Candida ở hầu họng;

– Nguy cơ viêm phổi gia tăng khi sử dụng Seretide ở bệnh nhân COPD. Cần cảnh giác với khả năng xảy ra viêm phổi ở người bệnh COPD vì các triệu chứng khá giống nhau;

– Khả năng suy giảm đáp ứng tuyến thượng thận có thể xảy ra ở bệnh nhân chuyển từ điều trị steroid đường uống sang fluticasone propionate dạng hít. Vì vậy, cần điều trị thận trọng và thường xuyên theo dõi chức năng vỏ thượng thận. Khi bắt đầu dùng fluticasone propionate, steroid đường toàn thân cần giảm liều dần dần và ngưng;

– Các corticosteroid dạng hít được hấp thu vào vòng tuần hoàn ở người bệnh nhạy cảm, bệnh nhân điều trị với thuốc Seretide cần cẩn thận với các tác dụng toàn thân của corticosteroid: Cushing do thuốc, ức chế tuyến thượng thận. Nếu xảy ra các tác dụng như vậy, cần giảm liều Seretide từ từ, phù hợp, cân nhắc tới các biện pháp điều trị triệu chứng hen khác;

– Thuốc Seretide tương tác với các thuốc ức chế mạnh cytochrome P450 3A4 nên cần thận trọng khi phối hợp các thuốc này;

– Ngay sau khi dùng thuốc, bệnh nhân có thể bị co thắt phế quản nghịch lý hoặc các triệu chứng phù nề thanh quản, thở khò khè, nghẹt thở,… Trong trường hợp này, người bệnh nên ngay lập tức dùng 1 thuốc giãn phế quản dạng hít nhanh và ngắn. Đồng thời, ngưng sử dụng thuốc Seretide ngay lập tức, điều trị thay thế nếu cần thiết;

– Nếu khả năng kiểm soát hen của thuốc Seretide trở nên không tốt thì cần đi khám bác sĩ ngay;

– Người mắc bệnh hen không ngừng sử dụng thuốc xịt Seretide một cách đột ngột vì có thể dẫn đến các cơn kịch phát. Nên giảm liều một cách từ từ dưới sự giám sát của bác sĩ. Người bệnh COPD nếu ngừng điều trị bằng thuốc cũng có thể gây mất kiểm soát triệu chứng nên cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ;

– Người lái xe, vận hành máy móc cần lưu ý tới các tác dụng không mong muốn của thuốc Seretide như đau đầu, đau khớp, đau cơ, chấn thương, chuột rút, đau thắt ngực, nhịp tim nhanh, co thắt phế quản, khó thở,…;

– Cân nhắc khi sử dụng thuốc Seretide ở phụ nữ mang thai và cho con bú.

3.3. Nên tránh sử dụng thực phẩm hoặc thuốc gì khi đang dùng thuốc Seretide?

– Tránh dùng đồng thời cả thuốc ức chế beta chọn lọc và không chọn lọc (trừ khi có lý do bắt buộc);

– Ritonavir (chất ức chế mạnh cytochrome P450 3A4) có thể làm tăng nồng độ fluticasone propionate trong huyết tương, gây giảm đáng kể nồng độ cortisol trong huyết thanh.

– Thận trọng khi sử dụng các chất ức chế mạnh cytochrome P450 3A4 như ketoconazole do làm tăng nồng độ fluticasone propionate toàn thân;

– Sử dụng đồng thời ketoconazole và salmeterol (1 hoạt chất trong Seretide) làm tăng nồng độ salmeterol trong huyết tương, có thể gây kéo dài khoảng QTc.

4. Tác dụng không mong muốn

Các tác dụng không mong muốn phổ biến:

  • Nhức đầu, viêm họng, nhiễm nấm ở miệng họng
  • Chuột rút cơ bắp, đau cơ.

Đặt lịch khám

    Đặt hẹn khám

      Đặt lịch tư vấn với bác sĩ

      Họ và tên
      Số điện thoại
      Thời gian khám
      Mô tả vấn đề sức khỏe của bạn:

      Đặt lịch tư vấn với bác sĩ

      Họ và tên
      Số điện thoại
      Ngày khám
      Thời gian khám
      Mô tả vấn đề sức khỏe của bạn: