Viêm túi thừa đại tràng dễ nhầm lẫn viêm ruột thừa - T-Matsuoka

Tin tức

Viêm túi thừa đại tràng dễ nhầm lẫn viêm ruột thừa

30/03/2023
Copied!

Viêm túi thừa đại tràng và viêm ruột thừa cùng có biểu hiện đau bụng mạn sườn, có thể kèm rối loạn tiêu hóa, sốt…. nên khó phân biệt.

Dù có biểu hiện lâm sàng giống nhau, viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng là hai bệnh khác nhau. Do hướng điều trị có nhiều khác biệt nên việc phân biệt hai bệnh lý này khá quan trọng.

Triệu chứng

Thế nào là viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng

Ruột thừa thuộc phần cuối của manh tràng, nối giữa ruột non nối và ruột già, có cấu trúc dạng ống hẹp và dài khoảng vài centimet. Khi lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn do phân, dị vật hoặc ung thư, vi khuẩn có thể gây ra các triệu chứng như sưng tấy, đau bụng, viêm và căng chướng trong ruột thừa. Ngoài ra, ruột thừa cũng có thể bị viêm khi cơ thể phản ứng với nhiễm trùng xảy ra ở một cơ quan khác. Bệnh thường xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 10 đến 30.

Túi thừa đại tràng là những túi nhỏ phình ra từ thành đại tràng. Túi thừa này thường chứa phân bị kẹt, dần đóng chặt thành cục sỏi phân, gây tắc nghẽn và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trong phân. Viêm túi thừa sẽ khiến cho các mô xung quanh bị sưng và phù nề. Bệnh thường xảy ra ở người trên 40 tuổi.

Hai căn bệnh này có thể dễ bị nhầm lẫn ở người Việt do vị trí của túi thừa gần hoặc cùng bên với ruột thừa. Cả hai đều có các triệu chứng đau bụng ở vùng mạn sườn hoặc hố chậu phải, sốt hoặc không sốt, và rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và ói mửa.

Viêm túi thừa đại tràng và viêm ruột thừa đều có biểu hiện đau bụng

Các dấu hiệu phân biệt
Dù viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng dễ bị nhầm, ta vẫn có thể nhận thấy những dấu hiệu khác nhau giữa hai bệnh này. Nếu bị viêm ruột thừa, thường sẽ xuất hiện cơn đau bụng ở phía dưới bên phải. Cơn đau ban đầu thường nhẹ và có thể trở nên dữ dội trong vài giờ. Người bệnh có thể cảm thấy đau quanh rốn hoặc bụng dưới bên phải, có thể có sốt và cơn đau thường tăng cường khi người bệnh ho hoặc cử động.

Vị trí đau có thể thay đổi tùy thuộc vào tuổi tác và vị trí của ruột thừa. Thường thì ruột thừa nằm ở hố chậu phải, nhưng cũng có thể xuất hiện ở các vị trí khác như dưới gan phải, giữa ổ bụng hoặc giữa các quai của ruột non, hoặc bên trái bụng dưới. Đối với phụ nữ mang thai, vị trí đau thường ở bụng trên, do ruột thừa bị đẩy lên cao, điều này có thể dẫn đến sai lầm trong việc chẩn đoán và điều trị.

Người bị viêm túi thừa đại tràng thường cảm thấy đau ở bụng trái liên tục trong vài ngày. Nếu túi thừa bị thủng, người bệnh có thể sốt và túi thừa có thể bị xuất huyết, dẫn đến đi ngoài kèm theo máu. Nếu tình trạng viêm kéo dài, có thể gây ra rò bàng quang – đại tràng, khiến người bệnh tiểu ra phân và khí.

Biến chứng
Viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời, bao gồm viêm phúc mạc. Khi ruột thừa hay túi thừa bị vỡ, mủ và phân có thể lan vào ổ bụng, gây nhiễm trùng lan rộng và đe dọa tính mạng người bệnh, nếu không được phẫu thuật cấp cứu để làm sạch khoang bụng.

Tuy nhiên, viêm ruột thừa thường nguy hiểm hơn do các biến chứng xảy ra nhanh hơn. Nguy cơ thủng ruột thừa chiếm khoảng 20% tại thời điểm trước 24 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Có khoảng 65% bệnh nhân viêm ruột thừa cấp gặp biến chứng này sau 48 giờ. Trong khi đó, chỉ 10% người bị viêm túi thừa cấp tính phát triển biến chứng.

Trong một vài trường hợp ruột thừa vỡ, quai ruột và mạc treo kết dính, nối bao lại làm hình thành túi mủ trong ổ bụng (áp xe). Đối với phụ nữ mang thai, viêm ruột thừa có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng mẹ và bé. Nếu thực hiện điều trị trong giai đoạn mang thai, nguy cơ dính ruột hoặc tắc ruột sau phẫu thuật cao, tăng khả năng sinh non hoặc sẩy thai.

Người bệnh viêm túi thừa có thể bị áp xe vùng chậu sau khi túi thừa vỡ, chảy máu, hẹp lòng đại tràng, gây khó khăn trong việc đi tiêu. Tình trạng này có thể làm hình thành một đường rò với các cơ quan khác như bàng quang, vòi tử cung, âm đạo, phần khác của ruột hoặc rò trực tiếp ra da.

Điều trị
Có sự khác biệt đáng kể trong phương pháp điều trị giữa viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng. Đối với viêm ruột thừa, ngay cả khi không có biến chứng, vẫn có nguy cơ tái phát cao trong thời gian ngắn, do đó chỉ có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Ngược lại, viêm túi thừa đại tràng không biến chứng có thể được cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thuốc chống co thắt cơ hoặc kháng sinh. Nếu phức tạp hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác, thì phẫu thuật mới là cách điều trị hiệu quả.

Phương pháp phổ biến trong chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng có biến chứng hoặc tái phát là phẫu thuật nội soi ổ bụng. Phương pháp này có nhiều ưu điểm, bao gồm quan sát được toàn ổ bụng, ít để lại sẹo, giảm đau, giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ và thời gian hồi phục nhanh.

Cả viêm ruột thừa và viêm túi thừa đại tràng đều liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều thịt đỏ, táo bón kéo dài, ít vận động, thừa cân hoặc béo phì. Để ngăn ngừa sự hình thành thêm túi thừa hoặc các tình trạng viêm, bạn nên ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước, tránh hút thuốc lá và thường xuyên tập thể dục để thúc đẩy chức năng ruột và giảm áp lực bên trong đại tràng.

Đặt hẹn khám

    Đặt lịch tư vấn với bác sĩ

    Họ và tên
    Số điện thoại
    Thời gian khám
    Mô tả vấn đề sức khỏe của bạn:

    Đặt lịch tư vấn với bác sĩ

    Họ và tên
    Số điện thoại
    Ngày khám
    Thời gian khám
    Mô tả vấn đề sức khỏe của bạn: