Address:

Trụ sở:

Tòa nhà VJM 154 Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Hotline:

0909 458 666

Bệnh thận và 10 dấu hiệu cảnh báo

Tháng Tư 4, 2023

Mệt mỏi, da khô và ngứa, sưng mặt hoặc tay chân… là những dấu hiệu cảnh báo trước bệnh thận ở giai đoạn sớm.

Phát hiện bệnh thận ở giai đoạn muộn thường gây khó khăn trong việc điều trị. Khi này, bệnh đã tiến triển và tổn thương thận có thể đã ở giai đoạn muộn, không thể khôi phục được. Trong khi đó, ệnh thận ở giai đoạn sớm thường tiến triển âm thầm khiến nhiều người không nhận ra mình bị bệnh. Tuy nhiên, bằng cách lắng nghe cơ thể và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chúng ta có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cải thiện hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thay đổi khi đi tiểu

Thận có vai trò quan trọng trong việc sản xuất nước tiểu. Khi thận khỏe mạnh, chúng có khả năng lọc máu để tạo ra nước tiểu. Khi thận không hoạt động hiệu quả, người bệnh có thể gặp phải các vấn đề như tiểu đêm, tiểu ít hoặc tiểu thường xuyên. Bạn cũng có thể thấy nước tiểu của mình có bọt, màu nâu sẫm hoặc hồng nhạt, đây là các dấu hiệu sớm cho thấy hồng cầu và protein xuất hiện trong nước tiểu do thận bị tổn thương. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu này có thể giúp người bệnh chẩn đoán và điều trị bệnh thận hiệu quả hơn.

Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt

Khi thận khỏe mạnh, chúng sản xuất erythropoietin (EPO), một hormone quan trọng giúp cơ thể tạo ra tế bào hồng cầu. Khi thận không hoạt động tốt, lượng EPO sản xuất giảm, gây ra thiếu tế bào hồng cầu. Thiếu tế bào hồng cầu dẫn đến thiếu máu, làm cho não thiếu oxy và gây ra các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, khó thở và hiệu suất làm việc giảm. Bên cạnh đó, chức năng thận suy giảm cũng dẫn đến tích tụ chất độc trong máu, làm cho người bệnh thiếu năng lượng và mệt mỏi. Thiếu máu có thể là nguyên nhân gây suy nhược ở người mắc bệnh thận vì thiếu tế bào hồng cầu.

benh-than-1

Hoa mắt, chóng mặt là biểu hiện của bệnh thận ở giai đoạn sớm.

Da khô và ngứa

Thận có trách nhiệm giữ cho xương chắc khỏe và duy trì mức khoáng chất phù hợp trong cơ thể. Nếu thận của bạn không thể duy trì sự cân bằng khoáng chất và chất dinh dưỡng trong máu, bạn có thể bị da khô và các vùng da ngứa. Sự ngứa thường được gây ra bởi mức độ cao của phốt pho trong máu.

Sưng mặt hoặc tay chân

Ngay cả khi bạn uống ít nước, nếu đã bị bệnh thận thì phù mặt là hiện tượng không thể tránh khỏi. Khi thận không thể loại bỏ độc tố dư thừa, chúng sẽ tích tụ và gây ra sự sưng mặt hoặc nặng mí mắt. Ngoài ra, nếu thận không thể loại bỏ lượng chất lỏng và natri dư thừa khỏi cơ thể, sự phù nề sẽ xảy ra ở bàn tay, cẳng chân hoặc bàn chân.

Khó thở

Khi thận không loại bỏ đủ chất lỏng, chất lỏng dư thừa sẽ tích tụ trong phổi và gây khó thở. Thiếu máu cũng là một nguyên nhân phổ biến gây khó thở ở những người mắc bệnh thận do thiếu tế bào hồng cầu vận chuyển oxy.

Đau lưng

Thận nằm ở vị trí hố thắt lưng, ở hai bên cột sống, phía dưới của xương sườn. Nếu bạn đau ở một hoặc hai bên hố thắt lưng, đó có thể là dấu hiệu của vấn đề thận. Đau lưng có thể do nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn thận, hoặc các quá trình viêm miễn dịch khác trong thận, gây tổn thương cho thận.

Ngoài đau lưng hoặc đau bên hông, chuột rút cơ bắp cũng là một triệu chứng khó phát hiện. Bệnh thận gây mất cân bằng điện giải, như nồng độ canxi thấp hoặc phốt pho cao, dẫn đến đau cơ hoặc cảm giác như kim châm ở tay và chân.

Giảm cảm giác thèm ăn

Sự tích tụ chất độc do chức năng thận suy giảm có thể khiến bạn chán ăn, buồn nôn. Bạn luôn cảm thấy no hoặc mệt mỏi, uể oải không muốn ăn. Mắc bệnh thận có thể khiến khẩu vị thay đổi. Chất thải tích tụ trong máu khiến thức ăn có vị như kim loại và để lại vị đắng trong miệng. Chất thải tích tụ cũng có thể gây hơi thở hôi.

Nặng mi mắt

Protein rò rỉ vào nước tiểu do thận bị tổn thương có thể gây nặng mi mắt vào buổi sớm khi ngủ dậy và hết trong ngày, có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh thận.

Xét nghiệm nước tiểu bất thường

Lượng protein cao trong nước tiểu, được gọi là protein niệu, có thể là dấu hiệu của bệnh thận ở giai đoạn sớm. Thận khỏe mạnh lọc chất thải và chất lỏng nhưng không lọc protein. Khi thận bị tổn thương, protein sẽ rò rỉ vào nước tiểu. Hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo của bệnh thận.

Huyết áp cao

Dư thừa chất lỏng và natri tích tụ do bệnh thận gây tăng huyết áp. Huyết áp cao làm hỏng các mạch máu trong thận dẫn đến bệnh thận nặng hơn theo thời gian.

Bên cạnh các dấu hiệu trên, những người mắc tiểu đường và huyết áp cao nên kiểm tra chức năng thận ít nhất mỗi năm một lần để tìm bằng chứng về tổn thương thận mà các bệnh này có thể gây ra. Bác sĩ có thể cho bạn xét nghiệm máu để đo nồng độ creatinin máu, xét nghiệm nước tiểu để phát hiện các thay đổi trong nước tiểu như tìm kiếm microalbumin niệu, hồng cầu niệu, từ đó giúp xác định sớm tổn thương thận, xác định chức năng thận, khả năng lọc cầu thận.

Việc phát hiện bệnh thận ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị thành công hơn. Để làm chậm quá trình tổn thương thận, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ để có hướng điều trị phù hợp. Nếu bệnh thận tiến triển không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận giai đoạn cuối và phải lọc máu hoặc ghép thận.

    Đặt hẹn khám

    Phone