Address:

Trụ sở:

Tòa nhà VJM 154 Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Hotline:

0909 458 666

Giám đốc Bệnh viện K: ‘2 năm tự chủ toàn diện, chúng tôi không đầu tư được trang thiết bị mới nào’

Tháng Tám 24, 2022

Theo Sức khoẻ và Đời sống

Trong 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được trang thiết bị mới nào. Một trong những thách thức để thực hiện tự chủ toàn diện đó là tính phí dịch vụ y tế chưa đủ… Do đó, Bệnh viện K đã xin thay đổi mô hình tự chủ toàn diện sang thực hiện theo Nghị định 60.

Ngày 19/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện tại 4 bệnh viện tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật thuộc Bộ Y tế là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức và Bệnh viện K với thời gian thực hiện là 2 năm.

Mục đích tự chủ toàn diện là để các bệnh viện chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các trung tâm kỹ thuật cao trong điều trị bệnh nhân. Mục đích của tự chủ toàn diện nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài…

Tuy nhiên chỉ có 2/4 bệnh viện thực hiện theo mô hình tự chủ toàn diện là Bệnh viên Bạch Mai và Bệnh viện K, nhưng đến nay cả 2 bệnh viện này đều đề xuất xin dừng thí điểm.

Vi sao cả Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đều xin dừng thí điểm? Báo Sức khoẻ & Đời sống đã tìm hiểu thực tiễn, trao đổi với các bệnh viện và ý kiến các chuyên gia để triển khai tuyến bài xung quanh nội dung này để tìm câu trả lời cho vấn đề đang được quan tâm này.

Đánh giá về mô hình tự chủ bệnh viện, GS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K cho biết, về lý thuyết, tự chủ toàn diện có nhiều ưu điểm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động, giảm áp lực chi cho ngân sách nhưng mỗi ngành nghề có đặc thù riêng.

“Tuy nhiên từ thực tiễn của ngành y và của chính Bệnh viện K, tôi cho rằng thực hiện tự chủ toàn diện một cách nhanh chóng, quyết liệt đối với các bệnh viện công chưa phù hợp tại thời điểm này. Phải có những điều kiện đáp ứng nhu cầu hoạt động nhất định cho bệnh viện, sau đó mới tiến tới tự chủ toàn diện nhưng việc này cần phải có lộ trình,”- GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Giám đốc Bệnh viện K: "2 năm tự chủ toàn diện chúng tôi không đầu tư được trang thiết bị mới nào"  - Ảnh 2.

GS.TS Lê Văn Quảng – Giám đốc Bệnh viện K cho biết: 2 năm tự chủ toàn diện chúng tôi không đầu tư được trang thiết bị mới nào

Thiếu nguồn lực đầu tư trang thiết bị, máy xạ trị phải hoạt động từ 5h – 22h mỗi ngày

Theo GS.TS Lê Văn Quảng, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều là bệnh viện lớn, đầu ngành của cả nước – số lượng bệnh nhân luôn lớn. Dù áp dụng tự chủ toàn diện hay không số lượng bệnh nhân vẫn không thay đổi vì vậy rất khó để đánh giá sự hiệu quả của mô hình này.

Giám đốc Bệnh viện K phân tích: Sau 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, giống như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K cũng gặp những khó khăn tương tự về mọi mặt như: giá dịch vụ y tế, một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều.

Cụ thể, hiện nay giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Giá dịch vụ y tế thanh toán BHYT thì theo quy định chung, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng khung giá cũng chưa được ban hành nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn.

“Vấn đề tuyển dụng nhân lực cũng gặp những khó khăn nhất định, Nghị quyết 33 cũng cho phép bệnh viện được đầu tư nhưng quan trọng nhất là chưa có nguồn vốn để đầu tư. Trong 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, chúng tôi chưa đầu tư được trang thiết bị mới nào”- GS.TS lê Văn Quảng nói.

Theo thông tin của Giám đốc Bệnh viện K, đúng trong thời điểm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là lúc xảy ra đại dịch COVID-19 do đó nguồn thu của Bệnh viện K giảm rõ rệt khoảng 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỷ.

Nếu không có dịch COVID-19, một năm Bệnh viện tích luỹ được khoảng 100 tỷ“- Giám đốc Bệnh viện K thông tin.

Theo đó nếu mang số tiền này để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nhiều khi không đủ bởi các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư rất đắt tiền. Ví dụ một hệ thống máy xạ trị có giá khoảng150 tỷ đồng/máy, các máy khác khoảng 40-50 tỷ/máy. Đặc biệt, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, một năm Bệnh viện K đã phải đóng đã lên đến hàng chục tỷ! Như thế cũng là một bài toán khó đối với bệnh viện.

“Trong khi đối với ngành y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện gặp khó khăn trong việc đầu tư máy móc phục vụ người bệnh”- GS.TS Lê Văn Quảng nhấn mạnh và phân tích thêm: Theo tiêu chuẩn, một máy xạ trị chạy cho khoảng 50-70 người bệnh /ngày thì với số lượng người bệnh đang điều trị Bệnh viện K phải cần thêm 6-7 máy nữa mới đủ.

“Hiện 2 cơ sở của chúng tôi có 9 máy xạ thì một máy đang bảo dưỡng. Máy xạ trị ít nên phải hoạt động hết công suất, xạ trị từ 5h sáng đến 22h đêm”- GS.TS Lê Văn Quảng cho biết.

 

Xin thôi tự chủ toàn diện, chuyển sang hình thức tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60

Giám đốc Bệnh viện K: "2 năm tự chủ toàn diện chúng tôi không đầu tư được trang thiết bị mới nào"  - Ảnh 4.

GS.TS Lê Văn Quảng cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện K phẫu thuật thành công loại bỏ khối u bướu ‘khủng’ hơn 3kg đeo đẳng trên người phụ nữ suốt hơn 20 năm

Cũng theo phân tích của Lãnh đạo Bệnh viện K, là đơn vị tuyến cuối về chuyên khoa ung thư, Bệnh viện K cũng phải thực hiện chức năng đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho tuyến dưới. Nếu tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Vậy những chi phí này sẽ do Bệnh viện K, Bệnh viện tuyến dưới hay Nhà nước chi trả?“- GS.TS Lê Văn Quảng đặt câu hỏi.

Đặc biệt, bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối điều trị ung thư – bệnh phải điều trị lâu dài, tốn kém trong khi đa số bệnh nhân nghèo, khó khăn.

Giám đốc Bệnh viện K cũng thông tin thêm do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh giảm. Nguồn thu của Bệnh viện năm 2020, 2021 giảm cũng làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, viên chức và người lao động..

“Đến tháng 9 này, Bệnh viện K đã đủ 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Bệnh viện đã họp và phân tích những ưu, nhược điểm, khó khăn, thách thức của việc tự chủ toàn diện. Hiện bệnh viện đã có văn bản báo cáo về quá trình 2 năm thực hiện tự chủ bệnh viện gửi Bộ Y tế xin chuyển sang hình thức tự chủ nhóm 2 theo Nghị định 60 tương tự như ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai”- GS.TS Lê Văn Quảng nói.

Giám đốc Bệnh viện K cũng khẳng định dù tự chủ hay chưa tự chủ toàn diện, đội ngũ y bác sĩ đều làm hết chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và đảm bảo quyền lợi của người dân khi đến khám và chữa bệnh tại bệnh viện.

Giám đốc Bệnh viện K: "2 năm tự chủ toàn diện chúng tôi không đầu tư được trang thiết bị mới nào"  - Ảnh 5.

Các bác sĩ của Bệnh viện K phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung người bệnh bằng hệ thống Robot Davinci thế hệ Xi hiện đại nhất hiện nay.

Trước đó, tại cuộc làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng báo cáo: Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai mạnh dạn đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 theo nhóm 2 – tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai.

Như vậy, 2 bệnh viện tuyến trung ương đang thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều đã xin thay đổi mô hình tự chủ.

 

    Đặt hẹn khám

    Phone